Hải sâm cát, loài mang nhiều tiềm năng

Được biết đến là loài có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao và do thức ăn chủ yếu của hải sâm là mùn bã hữu cơ nên rất dễ nuôi, đồng thời giúp làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hải sâm cát

Hải sâm cát được xem là loài có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: bienvanguoi.files.wordpress.com

Đặc điểm

Hải sâm bổ dưỡng như sâm, lưng có màu xám đậm hoặc đen, bụng trắng, có thể giống quả dưa chuột, độ dài trung bình 20 cm, da sần sùi, hơi nhám và mềm. Thân hải sâm phía ngoài có nhiều u bướu sần sùi trông như con đỉa nên còn được gọi là đỉa biển. Hải sâm không có đầu đuôi riêng biệt. Chính giữa phần đầu trước có một lỗ miệng nhỏ, hướng về trước, nằm ở gần phần bụng và hậu môn nằm ở cuối lưng, xung quanh miệng mọc 5 - 10 tua nhỏ. Cơ thể không có mắt.

Hải sâm có tập tính sống ở đáy các vùng nước biển nông, vũng, vịnh có nhiều đá ngầm, độ mặn từ 1,5 – 3%, pH 7,5 – 8,5, nhiệt độ nước thích hợp từ 26 – 29°C, nền đáy nhiều cát hoặc san hô chết ở độ sâu 2 – 5m. Thức ăn của hải sâm là xác chết động vật, thực vật phù du, chất hữu cơ và các vi sinh vật dưới đáy biển. Do thức ăn của loài vật này là mùn bã hữu cơ và xác động vật chết nên chúng giúp nền đáy sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm nước.

Đặc điểm của hải sâm

Hải sâm có tập tính sống ở đáy các vùng nước biển nông, vũng, vịnh có nhiều đá ngầm. Ảnh: nongnghiep.vn

Cơ thể hải sâm chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột, chứa cả trứng và tinh trùng nhưng thời điểm hình thành của từng phần lại khác nhau. Mùa sinh sản của hải sâm tập trung từ tháng 3 – 7. Vào thời điểm sinh sản, chúng thường tập trung lại, khi có sự thay đổi của các yếu tố môi trường nước thì con đực phóng tinh trước vào nước và con cái sẽ phóng trứng sau khoảng 30 phút và thụ tinh. Sau 30 - 36 giờ, trứng nở thành ấu trùng, chúng sử dụng tảo đơn bào làm thức ăn và biến thái chuyển xuống sống ở tầng đáy, sử dụng tảo đáy làm thức ăn. Sau 25 - 30 ngày, ấu trùng chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ, xác động vật chết,..

Hiện nay, hải sâm đang được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau, như nuôi đăng lồng, đáy, ao đầm ven biển (chủ yếu). Trong ao đầm, hải sâm được nuôi theo dạng bán thâm canh và thả ghép với các loài nuôi khác (như ốc hương, tôm sú,..).

Hải sâm phân bố ở các vùng biển trên thế giới thuộc các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,..Ở nước ta, hải sâm phân bố nhiều tại vùng biển đảo Cô Tô, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc,..Hải sâm cát có nhiều ở Nha Trang, Khánh Hòa, quần đảo Trường Sa...loại này sống vùng nước sâu và lạnh nên thuộc dạng quý hiếm.

Lợi ích từ việc nuôi hải sâm cát

Theo ghi nhận, lãnh đạo Công ty CP Hải sâm Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có 1,400 loài hải sâm nhưng có 40 loài ăn được. Trong đó, hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loài hải sâm. Qua khảo nghiệm, vùng biển Nam Trung bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho ra hải sâm nuôi nhanh lớn hơn các vùng khác. Hiện doanh nghiệp đang liên kết sản xuất với người dân thả nuôi gần 50 ha, đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến hải sâm với số vốn 5 triệu USD với công suất 900 tấn sản phẩm/năm và được xuất khẩu sang các nước như Singapore, Trung Quốc,..

Nuôi trồng hải sâm

Hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loài hải sâm. Ảnh: nongnghiep.vn

Trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều nhưng do khai thác quá mức nên dần trở nên cạn kiệt. Bệnh cạnh đó, giá bán thấp vì đầu ra không ổn định, chất lượng con giống không đáp ứng nhu cầu nuôi nên không được nhiều người nuôi quan tâm. Đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát và hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất giống đến thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Hải sâm được tận dụng nuôi tại những vùng nuôi tôm không hiệu quả. Ngoài ra, hải sâm còn có thể nuôi ghép với các loài cá, ốc khác để làm sạch môi trường và hạn chế dịch bệnh. Với chi phí nuôi thấp, giá con giống rẻ và không cần bổ sung thức ăn nhiều nên rất phù hợp với bà con nông dân.

Đăng ngày 23/11/2022

Nhất Linh